// CSS

Nạn nhân của bạo lực học đường: Không chỉ có một người

Ý chính trong bài

Dù nguyên nhân thế nào, thì việc đánh người khác đều không thể chấp nhận.

Chúng ta có rất nhiều cơ quan chức năng bảo vệ phụ huynh và con em với những quyền khiếu nại, tố cáo.

Giải quyết câu chuyện bạo lực học đường phải triệt để, tuyệt đối không nửa vời.

Không có tấm gương nào tốt hơn cho con trẻ bằng ứng xử, hành vi của người lớn.

 

Từ chuyện phụ huynh bạo hành bạn của con

Nhiều phụ huynh hay người lớn không tìm được tiếng nói chung, ghét hờn, bức xúc khiến họ tìm đến con cái, người thân của đối phương để trút giận. Đồng ý là có một bộ phận cha mẹ chỉ cần nghe con mình thua thiệt một chút so với bạn bè là sẽ lập tức "hổ báo" để không ai dám chạm vào con mình. Nhưng cần phải làm rõ rằng cách làm này rất gây hại cho con, vô tình tạo sự phân tầng, cô lập con và rất dễ dẫn đến bạo lực học đường.

Cũng có những phụ huynh để cảm xúc kiểm soát lý trí và họ không có kỹ năng xử lý tình huống. Nhiều nghiên cứu cho thấy người mắc các triệu chứng rối loạn tâm thần ngày càng tăng, tâm lý bất ổn khiến họ không làm chủ hành vi. Mọi hành vi, ứng xử đi ngược với giá trị chung của xã hội đều bị lên án, hoặc xử lý tùy mức độ, nhưng chính họ cũng cần được hỗ trợ về mặt tâm lý, tinh thần để không tái lặp lại hành vi này.

Và dù nguyên nhân thế nào, thì việc đánh người khác đều không thể chấp nhận. Bởi không ai có quyền xâm phạm thân thể của người khác.

happy family

Không ai có quyền xâm phạm thân thể của người khác.

 

Đến chuyện học sinh cư xử không đúng mực

Vụ việc ở Tuyên Quang vừa rồi cũng là một tín hiệu đáng báo động. Các em hoàn toàn có thể phản ứng bằng cách trình bày, gửi yêu cầu, kiến nghị lên nhà trường hoặc nhờ phụ huynh làm việc với ban giám hiệu để có biện pháp giải quyết nếu giáo viên là người sai. Thay vào đó, các em lại lựa chọn cách dồn cô giáo vào tường một cách bạo lực, trái với đạo đức và trật tự thông thường. Chúng ta có rất nhiều cơ quan chức năng bảo vệ phụ huynh và con em với những quyền khiếu nại, tố cáo. Từ đó có thể thấy rằng, dù là học sinh hay người lớn thì cũng không nên tự xử các vấn đề học đường.

happy family

Dù là học sinh hay người lớn thì cũng không nên tự xử các vấn đề học đường.

 

Hỗ trợ nạn nhân của bạo lực

Những buổi trò chuyện tâm lý để giải toả tâm tư là rất cần thiết vì có những mâu thuẫn, cảm xúc tiêu cực đang hình thành, âm ỉ trong các con cần sớm giải tỏa. Ở đó, các khúc mắc của sự việc sẽ được làm rõ nhằm giúp các con phân biệt đúng sai. Nếu không được giải toả tâm lý, các con không chỉ đang chịu chấn thương tinh thần, ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ tâm lý mà còn phát sinh những vụ bạo lực khác trong tương lai.

Phụ huynh cần đồng hành cùng con, quan tâm, yêu thương, chia sẻ và quan sát để có sự can thiệp và kịp thời tháo gỡ. Tốt nhất trong trường hợp này, con cần được trò chuyện với chuyên gia tâm lý để chữa lành vết thương. Nhiều phụ huynh thấy con im lặng thường chủ quan cho qua, nhưng đó thường là lúc trẻ chất chứa tâm sự, cần được nói ra và cần được lắng nghe. Chúng ta phải động viên, giúp các con nói ra cả những điều không nói được, như cảm giác muốn trả thù hoặc có ý nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Và, chính phụ huynh cũng là người cần vượt qua cú sốc, bởi không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận, chịu đựng, thứ tha cho người hành hung con cái mình.

Tại Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đang xây dựng môi trường trường học hạnh phúc, tiêu chí là yêu thương, an toàn, tôn trọng. Không chỉ phòng ngừa, nhà trường còn phải tích cực vào cuộc xử lý các mâu thuẫn học đường, hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn cho học sinh, giáo viên.

Giải quyết câu chuyện bạo lực học đường phải triệt để, tuyệt đối không nửa vời vì nửa vời sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn dẫn đến những vụ việc tương tự, với mức độ nghiêm trọng hơn.

 

happy family

 

Giải pháp căn cơ cho những câu chuyện bạo lực

Để con không là nạn nhân của bạo lực học đường, phụ huynh cần đồng hành và giúp con có sự hiểu biết, ý thức trước vấn đề này. Dạy con kỹ năng giao tiếp, quản lý cảm xúc rất quan trọng và điều này không thể chỉ dựa vào những khóa học kỹ năng sống, mà là từ cách cư xử của người lớn, cha mẹ, thầy cô.

Không có tấm gương nào tốt hơn cho con trẻ bằng ứng xử, hành vi của người lớn. Vì vậy, không thể đòi hỏi trẻ nói không với bạo lực học đường khi trong chính từng gia đình, xã hội, người lớn vẫn đối xử với nhau bằng bạo lực.

happy family

Không có tấm gương nào tốt hơn cho con trẻ bằng ứng xử, hành vi của người lớn.

Phạm Thị Thúy