Lớp 1 con gái tôi đã bị bắt nạt, cách ứng xử của GV, hiệu trưởng khiến tôi sốc
GDVN-“Nếu mình làm lớn chuyện này, kết quả nhận được có phải là công lý, đổi lại được an toàn không, hay chính lại là mũi tên bay ngược lại về phía 2 mẹ con…”
Không phải là người thường xuyên để ý hay bình luận về các câu chuyện trên mạng xã hội, tuy nhiên lần này, chị H không kìm nổi bản thân nữa, chị thấy bức xúc, bất bình thay vì một em nhỏ xa lạ. Câu chuyện về em Y.N., sinh năm 2007 ở một trường chuyên tại Nghệ An vừa tử tử, nghi do bạo lực học đường khiến chị H cảm thấy rùng mình, lo lắng và sợ hãi. Chị càng bức xúc hơn khi nghe những lời giải trình từ phía lãnh đạo nhà trường.
“Em ấy đã nhiều lần cầu cứu, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn, nhưng thứ em nhận được sau những lần cố gắng cầu cứu ấy chỉ là sự thờ ơ, xem nhẹ, đặc biệt từ phía lãnh đạo nhà trường”, chị H chia sẻ sự bất bình của mình với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Lý do khiến chị có sự đồng cảm mãnh liệt như vậy là bởi con gái chị cũng vừa trải qua những ngày tháng bị bạo lực học đường. Em vừa mới chuyển đến ngôi trường mới chỉ cách đây 1 tuần lễ, ngay khi kỳ thi kiểm tra học kỳ 2 năm học đang cận kề.
Phải khó khăn lắm, tôi mới tiếp cận được chị H và thuyết phục chị chia sẻ câu chuyện của bản thân mình. Nỗi sợ hãi, sự bất lực là những cảm xúc bủa vây lấy người mẹ trẻ, chị sợ con gái mình lại tiếp tục bị “làm phiền” nếu những người lãnh đạo ở trường cũ biết tới việc chị kể ra câu chuyện.
“Vì con và môi trường mới, chị không muốn làm lớn chuyện này. Nếu chị có vấn đề gì thì không ai lo cho con cả. Chị không biết một con én có làm nên mùa xuân hay không?”, chị H bất lực nói.
Câu hỏi của chị rơi vào khoảng không im lặng. Một con én có làm nên mùa xuân hay không? Chính tôi cũng không dám chắc chắn với chị. Việc tôi có thể làm cho chị lúc này, chỉ là đóng vai một người xa lạ tâm sự, trò chuyện và an ủi chị. Ngay khi viết những dòng này, tôi cố gắng một mặt lan tỏa câu chuyện, để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nạn bạo lực học đường, nhưng mặt khác, tôi cũng cố gắng đảm bảo câu chữ của mình sẽ không làm ảnh hưởng tới sự an toàn của 2 mẹ con chị.
Chị H có con gái đang học lớp 1. Chị là một bà mẹ đơn thân, một mình vất vả giữa thành phố ở phía Nam. “Cả tháng nay, chị không ăn không ngủ được”, giọng chị nấc nghẹn lên.
Suốt cuộc trò chuyện với tôi, chị luôn không thể kiềm chế được những giọt nước mắt lăn dài trên hai gò má gầy hóp của mình. Con gái chị là một em bé lương thiện, hiền lành và quá đỗi trong trẻo, đó là tất cả những ấn tượng tôi cảm nhận được qua lời kể của chị. Một em bé dễ thương, tốt đẹp như vậy, vì sao vẫn phải chịu những nỗi đau như thế ở những ngày tháng đầu mới chập chững bước vào cuộc đời học sinh nhỉ? Tôi đã tự hỏi hàng trăm lần như thế.
Chị H kể, ngày còn bé, khi chỉ mới khoảng 18-19 tháng tuổi, con gái chị có dấu hiệu mắc chứng tự mất ngôn ngữ tạm thời, và có dấu hiệu tổn thương về tâm lý, chị đã nghỉ làm để chăm sóc, chữa bệnh cho con. Đến khoảng hơn 3 tuổi, con gái chị nói chuyện trở lại được, lúc này chị H gửi con đi học mầm non. Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài bao lâu thì đại dịch Covid-19 kéo đến, suốt 2 năm chị và con vẫn loay hoay với nhau, vì vậy chị H chưa thể tìm kiếm được công việc ổn định để đảm bảo kinh tế như trước đây.
Đại dịch qua đi, ngày gửi con vào lớp 1, chị đã chọn cho con học ở một trường gần nhà để tiện việc đưa đón. Và những kí ức về một môi trường giáo dục “sặc” mùi chợ búa, du côn bắt đầu từ đây. Ngôi trường với đầy sự bất ổn, từ cô lao công tới các giáo viên, lãnh đạo trường.
Con gái chị được phân học ở lớp có cô giáo chủ nhiệm chỉ còn 1 năm nữa sẽ về hưu. Chị H nghĩ rằng, cô giáo lớn tuổi sẽ nhẹ nhàng và có kinh nghiệm trong việc dạy dỗ trẻ hơn. Tuy nhiên, những lần tiếp xúc của chị với cô giáo, thay vì bàn tới việc học của con, cô giáo chỉ nhắc tới tiền. Qua lời kể của con gái chị và các bạn học sinh khác trong lớp, cô giáo thường xưng hô với học trò là “mày - tao”, và luôn dùng những từ ngữ nặng nề để giao tiếp với học sinh.
“Sao mày học ngu quá vậy, mày học dốt quá vậy, sao tao dạy hoài mà m ko nghe, sao m không chết đi, mày sống làm gì cho chật đất vậy”.
Sự kiện con gái chị bị 2 bạn nữ cùng lớp nhốt ở trong nhà vệ sinh suốt 30 phút trong giờ ra chơi đã khiến chị quyết tâm chuyển lớp cho con. Ngày hôm ấy, chị H mang xôi và nước vào trường gửi tặng cô giáo ăn sáng, ngay khi quay ra, chính mắt chị chứng kiến con gái mình bị bạn cùng lớp nhốt ở nhà vệ sinh, cùng với đó là những lời đe dọa. Và sao chị tin nổi cảnh tượng này có thể xảy ra khi chúng mới chỉ là những đứa trẻ lớp 1.
“D* m* mày, mày có tin là tao đánh ch*t m* mày không?
… Tao đéo có sợ cô đâu, tao cũng đéo sợ công an…”
Những lời lẽ này khiến chị H đứng chết lặng giữa sân trường. Tìm gặp cô giáo để đòi lại công bằng cho con, nhưng nhận lại chỉ là sự thờ ơ. Vì vậy, chị H quyết tâm cho con chuyển sang lớp khác. May mắn, cô giáo chủ nhiệm ở lớp mới, theo lời kể của chị H, là một cô giáo dễ thương, hiền lành và quan tâm học trò. Chị H trộm nghĩ “vậy là mình có thể yên tâm làm lại cuộc đời rồi, mình sẽ tìm một công việc mới ổn định để lo cho con gái”. Nhưng người tính không bằng trời tính.
Sự việc con gái chị bạo hành đã xảy ra tại đây. Chị H kể, ở lớp mới cũng có 2 đứa trẻ là con gái, cũng thường xuyên bắt nạt và đánh con chị. Chứng kiến con gái thường xuyên bị bạn cố tình kiếm chuyện để bắt nạt, chị H đã nhiều lần cảnh cáo 2 đứa trẻ, và nói chuyện với cô giáo. Tuy nhiên, theo lời chị H, 2 đứa trẻ này là học sinh cá biệt của lớp, đến cô giáo cũng cảm thấy chán nản mỗi khi nhắc về chúng.
Có lần, chị H dạy con có thể đánh trả bạn, vì cô giáo không thể có mặt 24/24h để bảo vệ con, tuy nhiên, câu hỏi của con gái khiến chị nghẹn lại, bất lực và xót xa.
“Chị H: Nếu bạn A còn đánh con thì mẹ cho phép con được phép đánh trả bạn.
Con gái chị H: Mẹ ơi, con từng thấy bạn A đánh bạn trai khác trong lớp, bạn trai đã đánh trả lại, nhưng bạn A lại tiếp tục đánh trả lại mạnh hơn. Vậy mình phải đánh qua đánh lại như thế bao giờ mới hết hả mẹ?...”
Đôi khi, chính người lớn cũng cảm thấy bế tắc với chính sự rối ren trong thế giới trẻ nhỏ. Chị H chỉ đành hy vọng sẽ có ngày, khi con chị vượt dậy khỏi vùng an toàn của mình thì nó sẽ bật lại 2 đứa trẻ kia. Nhưng, ngày ấy đã không kịp đến.
Chỉ vì lý do không muốn một bạn khác trong lớp chơi với con chị H, 2 bạn nữ kia lại tiếp tục gây sự với em. Kết quả, con gái chị H bị bạn đánh vào vùng bụng, tay, chân. Buổi tối, lúc tắm cho con, chị mới phát hiện những vết bầm tím ở bụng. Gọi điện báo cho cô giáo chủ nhiệm, nhờ cô giáo xử lý, tuy nhiên vẫn không nhận được sự xin lỗi và giải quyết ổn thỏa từ phía gia đình 2 bé gái đã đánh con mình.
Về phía con gái chị, 1 tuần sau đó em đã không thể đi cầu được, người đau nhức và bụng có dấu hiệu phình to ra. Đến ngày thứ 7, vì đau quá, em không thể đi học được nữa. Lúc này, chị H đưa con đi khám bác sĩ và được chẩn đoán là “chấn thương phần mềm vùng xương chậu. Do có tác động lực mạnh vào ruột, khiến ruột bị thúc, dẫn đến ứ hơi và phân. Do đó con không thể đi cầu bình thường được”.
Chị H đưa con về và tiếp tục điều trị ở nhà. Trong thời gian đó, bé vẫn muốn đi học, chiều theo ý con, chị đưa đón con đến trường hàng ngày. Ở lớp, 2 đứa trẻ kia vẫn cố tình kiếm chuyện, chọc con gái chị. Chưa kể, những buổi đi học sau đó luôn bị gián đoạn vì em bị đau quá, có khi phải nghỉ học giữa chừng.
Chờ đợi sự can thiệp của cô giáo không được, chị H tiếp tục tìm đến sự can thiệp từ phía lãnh đạo nhà trường nhằm tìm lại công lý cho con. Tuy vậy, phía lãnh đạo nhà trường lại có cách xử lý thiếu triệt để, quyết đoán và tận gốc rễ vấn đề. Từ việc bắt nạt bạn lại bị đánh tráo khái niệm, trở thành câu chuyện va quẹt vào nhau trong lúc chơi. Con gái chị H chỉ được nhận một lời xin lỗi lấy lệ, không hề có thiện ý. Chưa kể, chị phải nộp các giấy tờ hóa đơn để chứng minh tiền viện phí, số tiền nhận từ gia đình 2 bé gái kia, theo chị như tiền bố thí, là chị đổi lấy vết thương của con để lấy những đồng tiền lẻ đó.
Môi trường học thiếu sự an toàn, lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo thờ ơ, vô tâm và có phần “chợ búa” đã khiến chị H quyết tâm phải chuyển con sang trường khác, dẫu đây là thời điểm nhạy cảm trong năm học. Ngày rút hồ sơ ở trường, câu nói của thầy hiệu trưởng đến giờ vẫn văng vẳng trong đầu chị:
“Tưởng chuyển đi đâu, hóa ra là trường này. Tôi thân với hiệu trưởng trường này lắm,...”
Bởi vậy, đứng trên cương vị là một người mẹ đơn thương độc mã, chị không dám làm lớn câu chuyện: “Nếu mình làm lớn chuyện này, kết quả nhận được có phải là công lý, đổi lại được an toàn không, hay chính lại là mũi tên bay ngược lại về phía 2 mẹ con…”, người mẹ nấc lên trong niềm đau xót tuyệt vọng.
Đến bây giờ, chị H vẫn bị ám ảnh câu chuyện ở ngôi trường này. Chị và con gái chọn đi đường khác để không phải thấy những hình ảnh về trường cũ. Hai mẹ con cũng cắt đi mái tóc dài của mình để hiến tặng, vừa làm lại cuộc đời mới, vừa là món quà cho các bệnh nhân ung thư.
Nhìn lại câu chuyện của con gái, chị H vẫn cảm thấy bức xúc và bất bình trước cách xử lý của người lớn, đặc biệt những người làm cha, làm mẹ và những người đứng ở vị lãnh đạo của nhà trường.
“Khi bạo lực học đường xảy ra ở cấp lớn hơn thì sẽ có biện pháp xử lý bằng luật pháp hay từ các ban hành giáo dục. Nhưng với những cấp nhỏ như cấp 1 thì chỉ giải quyết tới đó. Ai cũng có con cái, tuy nhiên người ta không để ý đến ai cả, họ chỉ cố bảo vệ cho miếng ăn của mình…”, chị H nói trong tiếng bất lực thở dài.
Dù hiện tại, con gái chị vẫn chưa thể đi cầu lại bình thường như trước đây, nhưng thoát ra được môi trường độc hại kia, với chị H, đã là một bước tiến lớn. Cả chị H và con gái đều hi vọng từ đây sẽ chỉ còn những điều tốt đẹp, mong sao con sẽ được trải qua một tuổi học trò an toàn.
Cuộc trò chuyện giữa tôi và chị H kết thúc khi chị đến chuẩn bị đến đón con tan trường vào buổi trưa. Thời gian này, chị vẫn đang tập trung đồng hành cùng con gái để giúp con thích nghi với môi trường mới. Và chắc hẳn, hành trình này sẽ còn dài thêm nữa...