// CSS

Bạo lực học đường: Vết thương chưa lành

Vết thương - nỗi lòng

Sau hơn nửa năm khép lại vụ việc về nữ sinh Đ.L.V, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) bị đánh “hội đồng”, đến lúc này chị L.T.H, phụ huynh của cháu Đ.L.V vẫn chưa hết bàng hoàng. Không muốn nhắc lại chuyện cũ nhưng trong lòng người mẹ vẫn rưng rưng nỗi niềm.

Ngay khi con bị các bạn học đánh gây thương tích, dù đau lòng nhưng chị H phải cố nén cảm xúc để chăm lo sức khỏe cho con. Sau hơn 1 tháng điều trị, những vết thương trên người Đ.L.V đỡ hơn, cháu đi học trở lại.

Bản thân cũng là giáo viên nên trong cách nhìn nhận vấn đề, chị H có những cảm thông, chia sẻ với hành vi, ứng xử của những người đã dùng bạo lực với con mình. Chị nói: “Trong hoàn cảnh như vậy, không bố mẹ nào lại không thương con. Nhưng điều này không có nghĩa là quay sang tạo áp lực cho những người đã làm tổn thương con mình. Các cháu còn nông nổi, chưa biết nhìn nhận rõ vấn đề nên dễ có hành động tự phát. Khi con tôi trở lại trường học, được thầy cô, bạn bè động viên, yêu thương nhiều hơn. Sự mâu thuẫn của nhóm bạn và cháu cũng được hóa giải. Nhưng nếu để tôi quên những gì đã xảy ra với con thì thật khó bởi đó như vết thương lòng”.

Vết thương ấy là nỗi lòng của cha mẹ. Và với Đ.L.V, thật may mắn, những thương tích của cháu không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nhưng, dù vết thương da thịt đã chữa khỏi thì trong cháu vẫn chưa thể lành vết thương tinh thần.

Chỉ mong cháu tôi ổn định sức khỏe

Tháng 1-2021, một vụ việc đau lòng đã xảy ra tại Trường THPT Lang Chánh (Lang Chánh) khi học sinh P.T.L bị bạn cùng trường đánh vỡ sọ não, tổn hại 49% sức khỏe. Đây là câu chuyện khiến tôi trăn trở nhiều nhất khi viết về bạo lực học đường. Bởi chỉ trước đó một tháng, vào tháng 12-2020, trong một chuyến công tác, tôi có dịp ghé thăm ngôi trường này và khi đề cập đến vấn đề bạo lực học đường, ông Nguyễn Đình Bảy, Hiệu trưởng Trường THPT Lang Chánh lúc đấy có chia sẻ: “Ngăn chặn bạo lực học đường không thể tuyệt đối mà làm sao ở mức thấp nhất. Đánh nhau chỉ thể hiện bên ngoài mà mâu thuẫn thì ở bên trong. Quan điểm của tôi là đừng đẩy học sinh cá biệt ra xa mà phải kéo gần các em lại để thúc đẩy sự trưởng thành của các em. Tôi vẫn nói với giáo viên, phần lớn học sinh nhà trường có bố mẹ đi làm ăn xa, nếu nhà trường cũng xa rời các em thì học sinh ở với ai?”.

Nạn nhân của vụ bạo lực học đường ở Trường THPT Lang Chánh là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ ly hôn từ khi cháu 10 tuổi. Trong suốt 7 năm qua, cháu P.T.L sống với người cô ruột. Theo như chia sẻ của chị Phan Thị Hoan, cô của cháu L: “Khi chưa bị đánh, cháu có thể chơi bóng vài tiếng đồng hồ nhưng sau khi xảy ra sự việc, giờ chỉ cầm chổi quét nhà là bị chóng mặt. Cháu bị não trái, ảnh hưởng đến hai ngón tay phải nên trở trời, đầu và tay lại đau nhức. Theo kế hoạch, cháu sẽ đi phẫu thuật ghép sọ titan, nhưng do đang có dịch COVID-19 nên gia đình tạm lùi một thời gian. Mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là sau khi ghép sọ titan sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu”.

Đối với P.T.L, người học trò ngoan, một lớp trưởng năng nổ, nhiệt tình, đến lúc này vẫn không thể tin, khi mọi việc xảy ra quá nhanh và bất ngờ. Vì những mâu thuẫn nhỏ, cháu đã bị bạn đánh tàn nhẫn ngay trước cổng trường, giờ tan học. Sau sự việc, cháu rất buồn khi mọi hoài bão, ước mơ dường như đang khép lại. L. nói: “Gia đình cô vất vả vì cháu nhiều nên cháu muốn thi vào trường quân sự để đỡ khó khăn cho cô nhưng sức khỏe như vậy, chắc không thực hiện được nữa”.

Thấy P.T.L rưng rưng, tôi nhói lòng. Dẫu biết rằng, nhà trường đã dành tình thương, trách nhiệm cho trò. Nhưng tình thương có đôi khi không níu giữ được những hành động tự phát, những mâu thuẫn cá nhân của học sinh nên học trò ngoan như P.T.L vẫn bị hứng chịu những vết thương, biết bao giờ mới chữa lành?

“Thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương” nhưng có những vết thương không thể chữa khỏi, nó vẫn dai dẳng, âm ỉ, nhức nhối. Nỗi đau không nói được bằng lời...

Bài và ảnh: Vi An