// CSS

Bạo lực học đường: Thủ phạm cũng là nạn nhân

Khi một hành vi bạo lực học đường bộc phát thì đó là sự thất bại của hàng loạt vấn đề: giáo dục gia đình yếu, thiếu quan tâm từ nhà trường, môi trường xã hội không tốt…

 

Ông Trần Vũ (thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh):

Đừng lấp liếm sai trái

Bao năm qua, căn bệnh thành tích trong giáo dục, từ thầy cô giáo cho đến nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục... ngày càng trầm trọng. Không ai dám nhìn thẳng vào sự thật, vào năng lực giáo dục, khả năng của học sinh mà mọi thứ trì trệ, tệ hại luôn được giấu dưới những thành tích thi đua tốt đẹp của lớp, của trường và của cả ngành giáo dục.

Những hành vi sai trái của học sinh ít được mổ xẻ, quan tâm xử lý đến nơi đến chốn nên các em không nhận ra và càng ngày càng lún sâu vào sự sai trái đó. Đơn cử những hành vi gây gổ với bạn hoặc đánh bạn nếu được xử lý quyết liệt và cứng rắn thì khó có thể dẫn đến hành vi bạo lực như vụ việc xảy ra tại Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh).

Về mặt gia đình, chúng ta phải thừa nhận còn nhiều lỗ hổng trong giáo dục con cái. Cha mẹ hầu như giao hết cho nhà trường và ít quan tâm đến cuộc sống của con cái. Giáo dục một đứa trẻ phải là sự quan tâm, uốn nắn từng ngày; sự điều chỉnh hành vi liên tục và hướng con vào những hoạt động lành mạnh. Mọi hành vi sai trái của con cái sau này nơi nhận hậu quả đầu tiên chính là gia đình.

Dù ở tuổi nào, khi có hành vi sai trái thì phải bị xử lý nghiêm khắc, không thể dung dưỡng. Xử lý mạnh tay với các em không phải là vùi dập mà chính là hướng các em đến việc làm đúng, tự điều chỉnh bản thân để không còn mắc phải sai lầm.

Tổ chức những buổi học ngoại khóa để học sinh gần gũi với nhauẢnh: Hoàng Triều

Tổ chức những buổi học ngoại khóa để học sinh gần gũi với nhau. Ảnh: Hoàng Triều

 

Ông Đỗ Tấn Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Sơn TỊNH, tỉnh Quảng Ngãi):

Hậu quả của sự vô cảm

Nguyên nhân của bạo lực học đường thì có nhiều nhưng có một chuyện mà tôi rất day dứt, đó là căn bệnh vô cảm của các em đối với bạn bè mình.

Chúng ta thấy một sự thật đáng buồn, nhiều học sinh đánh bạn thô bạo ngay nơi đông đúc người qua lại nhưng thật lạ là không có ai can ngăn. Một số học sinh đứng xem với thái độ dửng dưng, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Giá như có người lớn hoặc một số học sinh kia có lòng căm ghét, phẫn nộ trước cái ác, cái xấu, không ngại xông vào can ngăn hay gọi điện thoại báo ngay cho công an hoặc nhà trường thì vụ việc đâu đến nỗi tồi tệ như vậy; đáng xấu hổ như vậy.

Nhiều trường có thiết kế thùng thư để học sinh góp ý mà không cần ghi tên, địa chỉ. Thời gian đầu, mỗi tuần nhận được vài ba lá thư. Những góp ý, tố giác có cơ sở, chính xác của các em giúp nhà trường chấn chỉnh được nhiều việc, nhất là những lệch lạc về mặt hành vi, đạo đức của học sinh trong trường. Mặc dù nhà trường, thầy cô giáo luôn khuyến khích học sinh làm việc đó nhưng thời gian sau, chẳng hiểu sao, không thấy lá thư nào nữa. Một việc làm tốt của nhà trường như thế mà không nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo học sinh thì thật buồn.

Chuyện học sinh mâu thuẫn, xích mích, đánh nhau... là chuyện thường xảy ra. Vấn đề là nhà trường, ngành giáo dục cần dạy học trò biết cách xử sự, giải quyết tốt những cái bất thường ấy. Nhất là giáo dục cho các em kỹ năng sống chất lượng, thiết thực; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dám đấu tranh trong mỗi học sinh.

 

Văn Thị Hạnh (quận 11, TP HCM):

Rất cần tình thương của gia đình

Sự phát triển nhân cách của trẻ phụ thuộc rất lớn vào sự giáo dục của nhà trường, gia đình. Con của chúng tôi khi còn học cấp 1 luôn bị bạn đánh và cháu giấu gia đình chuyện này. Để tránh bị đánh, cháu chơi với những bạn lì lợm trong lớp. Lâu dần, chính cháu là một trong những học sinh hay bắt nạt bạn bè. Một ngày, cô giáo chủ nhiệm đã gọi tôi trình bày tất cả mọi chuyện. Tôi khá bất ngờ và xin lỗi cô giáo. Từ hôm đó, chúng tôi luôn dành thời gian nhiều cho cháu.

Khi cháu đi học về, tôi ân cần thăm hỏi chuyện trường lớp. Mỗi tối khi ôn bài cho con, tôi dành ít thời gian nói chuyện về cuộc sống, về cách ứng xử với bạn bè, thầy cô. Lâu dần chuyện này trở thành thói quen, khi ở trường xảy ra chuyện gì cháu đều tâm sự với bố, mẹ và chúng tôi cặn kẽ phân tích đúng sai và chỉ cách ứng xử cho cháu. Thói quen này được chúng tôi duy trì cho đến nay, khi cháu đã chuẩn bị lên cấp 3. Thỉnh thoảng tôi dặn cháu mời bạn về nhà chơi, quây quần cùng nhau vui đùa, ăn uống. Nhiều năm qua, cháu chưa bao giờ gây gổ, đánh nhau với bạn và giáo viên chủ nhiệm cho biết cháu được thầy cô, bạn bè quý mến. Qua đó, học lực của cháu cũng ngày càng khá. Vừa qua, cháu được tuyển vào đội ngũ học sinh giỏi tiếng Anh của trường để đi thi cấp quận.