"Tôi từng là nạn nhân trò thao túng tâm lý và bạo lực, miệt thị học đường"
(Dân trí) - Nói về vấn đề bạo lực học đường, tôi thấy nó thật khủng khiếp. Tôi đã từng là nạn nhân của nó.
Tôi là một học sinh ngoan, chăm chỉ học, luôn đứng nhất nhì lớp và cũng bị thao túng tâm lý và bạo lực, miệt thị học đường. Tới nay, ra trường đã gần 20 năm, tôi vẫn nhớ như in những gì tôi thấy trong suốt thời gian học, nhất là ở giai đoạn cấp 2,3.
Ngày tôi đi học còn chưa có điện thoại, internet, mạng xã hội phát triển như bây giờ, cũng đã chứng kiến rất nhiều nạn miệt thị, cô lập hay bạo lực học đường. Tôi từng chứng kiến rất nhiều trong lớp tôi: các bạn nam lớp khác nhảy vào đánh tới tấp một bạn nam lớp tôi mặc cho bạn này gục xuống vẫn tiếp tục đánh; các bạn nữ miệt thị lẫn nhau và đối tượng thường là những bạn xấu hơn, gia thế kém hơn, học kém hơn, quá gầy hoặc quá xấu.
Nếu ai đó không hòa nhập được chắc chắn sẽ bị chèn ép cô lập.
Ngay cả nạn giáo viên phân biệt chèn ép học sinh cũng không phải là hiếm thời bấy giờ. Tôi vẫn nhớ như in cô giáo dạy văn tên N. của trường PT Lục Nam, dạy thay một buổi duy nhất và tới giờ này tôi còn nhớ như in ánh mắt, sắc thái và lời nói của cô với tôi.
Hôm đó trời rất nắng nóng, tôi ngồi gần cửa sổ, mỗi lần nhìn lên bảng tôi phải nhăn mặt, thấy vậy cô đã hỏi và tôi đã trả lời lý do như trên, nhưng cô không chấp nhận mà kèm một câu nói tới giờ tôi còn nhớ như in: "Cô này có là học sinh lớp tôi, hay gặp tôi coi thi ở đâu thì chết với tôi". Sau đó cô ấy mách cô giáo dạy văn chính thức của tôi sự việc trên, điều mà đáng lẽ cô phải hiểu hơn hết.
Sau này mỗi lần đụng cô tôi phải tránh mặt, và rồi có lần cô coi thi trúng lớp tôi, tôi phải căng mình né, nhưng ánh mắt cô nhìn tôi mỗi lần, tôi hiểu tôi sẽ bị chèn ép nếu có cơ hội.
Có thể thấy, cô giáo có người được coi như mẹ hiền, nhưng cũng có người rất dữ dằn. Một học sinh ngoan, học giỏi tôi cũng phải thấm đòn khi gặp cô giáo như này.
Ngày nay nạn bạo lực học đường, miệt thị chèn ép giữa các nhóm học sinh, giữa giáo viên và học trò của mình ngày càng nhiều và hậu quả càng ghê gớm.
Kính mong nhà trường, các thầy cô, gia đình, quan tâm giáo dục con em mình tốt hơn. Thầy cô giáo hãy như cha mẹ thứ hai của học sinh, xin đừng cậy ta lớn, ta là thầy, có quyền chèn ép học sinh.
Độc giả Hoang Nhat
hoangnhat****@gmail.com