// CSS

Nữ nhà văn ở TP.HCM kể chuyện con bị bạo lực học đường và kịp thời cứu nguy cho con

Những ngày này, mạng xã hội rúng động bởi câu chuyện về em Y.N., sinh năm 2007, học sinh THPT Chuyên Đại học Vinh, đã tự tử tại nhà riêng, nghi do bạo lực học đường (BLHĐ). Theo dõi vụ việc, chị B.V (một nhà văn hiện ở TP.HCM - nhân vật xin giấu tên) rùng mình vì sợ. Nguyên nhân là chỉ mới cách đây vài tháng thôi, con chị - một nữ sinh 14 tuổi, cũng từng là nạn nhân của BLHĐ.

"Câu chuyện của em Y.N. và câu chuyện của con tôi có nhiều điểm tương đồng đến lạ kỳ, làm tôi không khỏi tự hỏi phải chăng những câu chuyện đau lòng thế này là câu chuyện của rất nhiều em học sinh khác, chỉ là có dịp phơi bày hay chưa mà thôi", chị V. nói.

Từ bạn thân thành nạn nhân bị bắt nạt

Năm lớp 5, con chị học ở một trường quận 4 TPHCM. Thầy cô và bạn bè ở đây rất ổn nhưng vì không theo kịp chương trình Tích hợp, trường lại từ chối cho chuyển sang lớp thường, hai mẹ con quyết định chuyển sang một trường khác từ học kỳ II năm lớp 6.

Cả học kỳ II năm lớp 6 ấy, con chị không tìm được bạn thân. Người mẹ động viên con cố gắng hòa đồng hơn, mở lòng hơn và dành thời gian cho mình nhiều hơn để làm quen và kết bạn. Đến lớp 7, con chị "được kết nạp" vào một nhóm bạn gồm 4 cô gái. Đến năm lớp 8, trường tách lớp, em và một bạn trong nhóm vào chung một lớp 8, hai bạn kia học 2 lớp khác.

"Lúc đầu, con tôi rất vui vì có một cô bạn trong nhóm học cùng. Nhưng sau một thời gian, chính cô bạn đó quay sang bạo hành tinh thần con tôi bằng những lời chê bai ngoại hình, năng lực học tập, gia cảnh… Khi con tâm sự, tôi khuyên con nên góp ý thẳng thắn với bạn, nếu bạn vẫn không thay đổi, con nên cân nhắc lại tình bạn này.

Sau nhiều nỗ lực không kết quả, con tôi quyết định tách rời khỏi cô bé đó, đồng nghĩa với việc bị "khai trừ" khỏi nhóm bạn chung. Không biết do cay cú vì bị 'nghỉ chơi' trước hay thế nào, cô bạn đó, cùng 2 cô bạn cũ trong nhóm, hè nhau bắt nạt con tôi, kết bè kết phái cô lập, nhắn tin xúc phạm, nói xấu… con tôi đủ đường. Chúng lôi kéo thêm nhiều nhóm bạn khác cô lập con tôi trên mọi "mặt trận", nữ nhà văn kể.

"Suốt thời gian đó, con tôi chơi thân với một cậu bạn, có thể tạm gọi là bạn trai ô mai, và cậu bạn này gần như là chỗ dựa tinh thần duy nhất cho con giữa vòng vây bị cô lập. Nhưng một ngày, con và cậu bạn nghỉ chơi và cậu bạn này quay ngoắt gia nhập nhóm bắt nạt kia chỉ trong vòng 1 nốt nhạc.

Không chỉ hùa theo đám bạn bạo hành tinh thần con tôi, cậu ta còn tuồn password (mật khẩu) Facebook con bé cho đám ấy. Cả bọn rủ nhau sục sạo Facebook con tôi, tuồn cho nhau những tấm hình riêng tư của con bé và post lên mạng với những bình luận châm chọc. Khỏi phải nói con tôi suy sụp đến mức nào, khi bị chính những người từng là bạn thân của mình đâm sau lưng và rủ nhau bạo hành tinh thần ngày này qua ngày khác", chị Vy chia sẻ.

Nữ nhà văn ở TP.HCM kể chuyện con bị bạo lực học đường và kịp thời cứu nguy cho con - Ảnh 1.

"Chiến đấu" vì con

Đến lúc này, chị V. phải can thiệp. Đầu tiên, như cách mọi phụ huynh khác hay làm, chị liên hệ cô giáo chủ nhiệm, nhờ cô để mắt trông chừng con mình. Và đây là câu trả lời chị nhận được: "Các con cấp II là lớn rồi, nhà trường không thể quản được".

"Tôi gửi con cho nhà trường 8 tiếng một ngày, trường không quản thì ai quản? Không lẽ tôi bắc ghế lên trường để quản con tôi? Cùng lúc đó, con tôi lên chia sẻ với cô về việc bị bạo hành, cô đáp lời con tôi rằng: 'Tại con không biết chọn bạn mà chơi, con nói vậy thì cô biết vậy thôi, chứ cũng đâu có chứng cứ gì mà nói các bạn'(?!)", bà mẹ này cho biết, chị quá ngạc nhiên bởi phản hồi từ cô giáo vì sự việc xảy ra với con mình.

Theo chị, thứ nhất, thay vì gọi tất cả lại và tìm hiểu sự việc, cô lại đi đổ lỗi cho nạn nhân. Thứ hai, khi học sinh bị đánh, phải đi gặp chuyên viên tâm lý hay tự làm tổn hại mình như một cách giải tỏa thì mới gọi là có chứng cứ chăng? Đợi có chứng cứ thì có thể các em sẽ thê thảm đến mức nào rồi và lúc đó thì sẽ giải quyết được gì nữa?

Song song đó, chị V. nói chuyện trực tiếp với 2 phụ huynh của 2 em cầm đầu nhóm bắt nạt. Một em "táo tợn" đến mức nhắn tin riêng cho chị trên Zalo, nói rằng con chị đáng bị bắt nạt. Chị chụp những tin nhắn đó, gửi cho mẹ học sinh đó, yêu cầu gặp mặt nhưng chỉ được hứa hẹn suông, một lời xin lỗi cũng không có. Em này được nước lấn tới, đăng hình con chị lên mạng với lời lẽ xúc phạm.

Đến mức này, chị V. hết kiên nhẫn và bảo mẹ nam sinh này: "Chị không quản được con chị thì tôi báo công an vào cuộc". Lúc ấy, phụ huynh mới về dạy bảo lại con mình và gỡ hình con chị V. xuống. Sau đó, đến cô bé chơi chung nhóm ngày xưa tiếp tục đăng hình con chị V. lên mạng và bêu xấu. Chị lại phải tìm phụ huynh nói chuyện. Lần này, may hơn, bà mẹ này biết điều hơn, có xin lỗi và xử lý.

Sau khi "dẹp loạn", chị bắt đầu nghĩ đến việc chuyển lớp, nhưng con chị bảo rằng chuyển lớp nào cũng vậy, vì nhóm này rất đông, lớp nào cũng có "chân rết", đi đến đâu cũng sẽ bị bắt nạt.

"Mỗi khi đi học về, tôi đều hỏi thăm tình hình con và biết được rằng mọi thứ có cải thiện. Các bạn đó không còn xách mé và công khai công kích con tôi trên lớp và trên mạng. Con cũng đã có được vài người bạn 'đồng minh', cùng thân phận bị bắt nạt, bị dè bỉu, bị cô lập, nên giờ co cụm lại chơi với nhau để bảo vệ lẫn nhau.

Nhóm kia cũng không dám công khai bắt nạt con tôi nữa nhưng vẫn xì xào sau lưng, lườm nguýt khi đi ngang… Con tôi xin chuyển trường nhưng tôi bảo chuyện lớn thì mẹ đã can thiệp và chấm dứt rồi, những chuyện này không đáng kể, môi trường nào cũng sẽ có, con hãy tập mặt kệ, mạnh mẽ và vượt qua, vì không thể nào đi đến đâu có khó khăn thì mình cũng bỏ chạy. Con tôi im lặng", chị V. kể.

Cho đến một ngày, đưa con đi học thêm, cùng lúc bạn M.T. cũng được đưa đến lớp đó. Vừa thấy M.T., con chị luống cuống, run rẩy, mở nón bảo hiểm không xong. Nhìn cảnh đó, chị thương con đứt ruột.

"Có mẹ bên cạnh mà con còn lo sợ như thế, thì khi không có mẹ con sẽ như thế nào? Tôi muốn con rèn bản lĩnh, tập mạnh mẽ để vượt qua nhưng nếu con tôi chưa đủ sức thì làm sao? Tôi không muốn những chuỗi ngày đến trường của con chỉ toàn nơm nớp lo sợ, tự ti và áp lực, trong khi con chẳng làm gì sai cả.

Vậy là trong vòng 2 tuần, tôi thu xếp chuyển con sang trường mới. Từ đầu đến cuối, tôi tuyệt nhiên không gặp cô chủ nhiệm, cũng không gặp hiệu trưởng, vì thứ nhất, gặp cũng chẳng có tác dụng gì; thứ hai, tôi không muốn gây rắc rối ảnh hưởng đến quá trình con chuyển trường. Nếu đã định từ bỏ, đi càng nhanh càng tốt".

Nữ nhà văn ở TP.HCM kể chuyện con bị bạo lực học đường và kịp thời cứu nguy cho con - Ảnh 2.


Chị V. cho rằng, Y.N. - cô bé ở Nghệ An chỉ hơn con mình 2 tuổi. Con cũng bị nhóm bạn trước chơi thân với mình sau trở mặt bạo hành, con cũng cầu cứu cô giáo nhưng đáp lại chỉ là sự vô cảm. Con cũng bị đổ lỗi như con chị đã từng. Có khác chăng là, con chị may mắn không bị đánh và mẹ con chị đã hành động sớm trước khi có những chuyện nghiêm trọng xảy ra. Những áp lực mà con trẻ đối diện, người ngoài nhìn vào khó có thể hiểu được hết. BLHĐ, chỉ có ai từng đi qua mới thấm thía hết nỗi đau mà thôi.
 

"Trẻ con không ngây thơ, trẻ con cũng không vô tội. Trẻ con cũng có thể rất tàn nhẫn và ác độc. Nhưng bởi vì mang danh trẻ con nên chẳng ai xử lý chúng đến nơi đến chốn. Sau tất cả, nếu có ăn năn thì làm được gì khi đã hại chết một mạng người? Tất cả những gì bây giờ mà người lớn đang làm là điều tra và xem xét, chỉ có Y.N. là dở dang cuộc đời và cha mẹ của em sẽ không bao giờ hạnh phúc được nữa", nữ nhà văn chia sẻ.