Gia đình cùng phòng, chống bạo lực học đường
Nội dung bài viết
Nội dung bài viết
Bạo lực học đường luôn là nỗi lo lắng, bức xúc của toàn xã hội. Bên cạnh sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, nhà trường và xã hội, mỗi gia đình cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình đối với trẻ.
Gần đây, các hành vi bạo lực về thể chất, bạo lực về lời nói, bạo lực về tinh thần có chiều hướng gia tăng trong trường học. Bên cạnh đó, bạo lực học đường xảy ra ở cả học sinh nam lẫn nữ. Hậu quả của mâu thuẫn nhỏ nhặt đôi khi không dừng lại ở cãi vã, xô xát thông thường, mà nguy hiểm, nghiêm trọng hơn... Đặc biệt, đã có những án mạng thương tâm xảy ra, gây hoang mang dư luận, khiến phụ huynh lo lắng, bất an, bức xúc.
Theo các chuyên gia, học sinh tiếp nhận giáo dục từ gia đình trước khi bước vào nhà trường; thể hiện tác phong của gia đình khi ở môi trường học đường, cả tốt và xấu. Do đó, gia đình, cha mẹ có ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất đến việc hình thành tính cách, nhân cách và định hướng sống của các con.
Tuy nhiên, hiện nay, không ít gia đình chỉ tập trung làm ăn, không dành nhiều thời gian chăm sóc, yêu thương, đùm bọc, quan tâm, gần gũi, chia sẻ với con, không nắm bắt được tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của chúng. Hoặc gia đình rạn nứt tình cảm, cha mẹ có hành vi bạo lực, vi phạm quy tắc, chuẩn mực xã hội... khiến các con có xu hướng gia nhập vào nhóm bạn xấu, hình thành hành vi bạo lực, nguy hiểm hơn là sa vào tệ nạn xã hội.
Ông Nguyễn Phương Nam (ngụ TP. Châu Đốc) bức xúc: “Hiện nay, nhiều gia đình có tâm lý khoán tất cả việc giáo dục con cho nhà trường. Thậm chí, họ không biết con mình học ra sao, chơi với những ai. Khi tiêu cực học đường xảy ra thì quay sang đổ trách nhiệm cho nhà trường”.
Đồng quan điểm, bà Võ Thị Phi Phụng (ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Thời gian các con ở trường chỉ 4-8 tiếng/ngày, phần lớn để học văn hóa. Với lại, mỗi lớp có rất đông học sinh, trong khi chỉ 1 giáo viên chủ nhiệm. Vì vậy, nhà trường không thể biết các em ngoài giờ học đi đâu, làm gì, làm sao quản lý hết được”.
Từng đảm nhận vai trò giáo viên chủ nhiệm, cô Nguyễn Thị L. (ngụ huyện Phú Tân) chia sẻ: “Hầu hết học sinh thường xuyên gây gổ, đánh nhau là học sinh cá biệt, thiếu sự quan tâm, giáo dục từ gia đình. Không ít trường hợp phụ huynh nuông chiều con quá mức, chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất, mà quên đi nhu cầu tinh thần, thiếu quan tâm, kiểm soát suy nghĩ và hành động của con mình”.
Chị Trần Thị Ngọc T. (phụ huynh học sinh) chia sẻ: “Tôi cứ đinh ninh rằng con mình rất ngoan hiền, làm gì có chuyện đánh lộn với bạn ở trường. Chỉ khi giáo viên chủ nhiệm đưa con về nhà với quần áo xộc xệch, tay chân bị thương, tôi mới thấy hối hận vì đã không quan tâm đến con nhiều hơn. Đó là trách nhiệm của bản thân tôi và gia đình, không thể trách ai được”.
Để phòng tránh, ngăn chặn bạo lực học đường, cần sự vào cuộc từ nhiều phía, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình là môi trường quan trọng, giúp hình thành, nuôi dưỡng và bồi đắp tình cảm, giáo dục đạo đức, lối sống nhân cách con người. Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, cách ứng xử cho các con noi theo.
Đồng thời, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm đến con, lắng nghe, kịp thời phân tích, chấn chỉnh suy nghĩ, hành động sai trái liên quan đến bạo lực học đường. Bà Nguyễn Thị Trúc Huỳnh (ngụ TP. Long Xuyên, có con gái học lớp 10) cho biết: “Mặc dù bận rộn công việc, nhưng tôi luôn quan tâm hỏi han việc học hành, các mối quan hệ bạn bè của con. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để nắm thông tin con học tập tại trường”.
Tương tự, chị Đỗ Thị Mỹ Ngọc (ngụ huyện Châu Phú) tâm sự: “Tôi luôn để ý những gì con mình đọc, xem hàng ngày. Ngoài ra, dù bận đến đâu, tôi cũng dành thời gian nói chuyện với con, quan tâm đến đồ vật con mang đi học mỗi ngày, thái độ, cách cư xử, hay biểu hiện, vết tích khác thường trên cơ thể”. Có con trai đang học lớp 7, anh Nguyễn Hoàng Khang (ngụ huyện Phú Tân) cho biết: “Gia đình thường xuyên dạy bảo con không được đánh bạn, không được tụ tập bỏ học, đua đòi theo thói hư của các bạn xấu. Tôi tìm hiểu bạn con thường chơi, để định hướng kịp thời…”.
Thiết nghĩ, để phòng chống, đẩy lùi và từng bước xóa bỏ bạo lực học đường, cần sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, quan trọng nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, loại bỏ hành vi bạo lực ra khỏi đời sống gia đình. Hãy để mỗi ngày đến trường của các con là một ngày vui, bổ ích và ý nghĩa, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục, vì thế hệ tương lai của đất nước.
Nguồn : Viện nghiên cứu hành vi thanh thiếu niên